Ngày xưa, khi sơ sinh được 3 ngày thì gia đình làm mâm cơm cúng Mụ và các vị Ngũ hành. Nếu sản phụ cữ bên nhà mẹ đẻ thì cúng Mụ ở đó.
Sơ sinh được 9 ngày thì cúng tạ gia tiên để kính cáo nhà có thêm con cháu. Việc này ông bà nội làm kể cả con dâu đang cữ bên nhà ngoại.
Sơ sinh được 3 tháng 1 tuần thì cúng tạ gia tiên có mời khách tới dự. Sau lễ cúng này thì người ngoài mới có thể thăm em bé. Sau sinh nếu sản phụ cữ ở nhà mẹ đẻ thì lúc này về nhà chồng.
Bé được gần 1 tuổi thì cúng thôi nôi vào giờ Ngọ. Nôi là giường nhỏ có thể có bập bênh, được chuẩn bị từ trước khi đẻ, thường dùng trong những tháng đầu đời. Cúng thôi nôi không phải là sinh nhật kiểu phương Tây mà tính theo âm lịch [12 trăng tròn]. Bé gái cúng sớm 2 ngày, bé trai cúng sớm 1 ngày. Bé sinh vào năm nhuận thì cúng thôi nôi sớm 1 tháng, nghĩa là vẫn đủ 12 trăng tròn.
Thôi nôi phải tạ chư vị Tiên Bà, Thần linh địa phương, Thổ công địa mạch, Tổ tiên nội ngoại. Có 1 mâm cúng lộ thiên. Khi cúng thôi nôi, bế bé chắp tay vái trước Ban gia tiên. Nhân dịp thôi nôi bé cũng được mừng tuổi bằng tiền và vàng bạc kèm giấy ghi lời chúc được giữ mãi.
Kể từ khi cúng thôi nôi là bé chính thức làm thành viên của gia tộc, được ghi tên vào phả hệ nếu gia đình có gia phả.
