Muốn sống an lạc phải thông thái thuận theo tự nhiên, theo tiết khí, mùa vụ.

Cư dân chủng Mongoloid phương Nam có tiết Đoan Dương [đoan tức là mở] nhưng mỗi tộc cách riêng mà đặc sắc nhất, hấp dẫn nhất là phong tục của người Việt. Tuy cùng ngày nhưng phong tục về ngày 5/5 âm và cúng của người Việt khác với người Hoa.

Người Hoa cúng Khuất Nguyên [340 TCN – 278 TCN] một trung thần nước Sở, nhà thơ, nhà văn hoá. Tương truyền, Khuất Nguyên đã nói với ông lão đánh cá: “Đời đục cả, một mình ta trong; người say cả, một mình ta tỉnh.” Khi được tin Sở Hoài Vương bị vua Tần hãm hại, Khuất Nguyên đã gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn nhằm ngày mùng 5 tháng 5. Để tưởng nhớ người trung nghĩa, vào ngày giỗ ông, dân làng làm bánh, bên ngoài quấn chỉ ngũ sắc để cá khỏi đớp, tổ chức lễ hội chèo thuyền, ra giữa sông, ném bánh xuống để tế Khuất Nguyên.

Lý học Đông phương, tính theo chu kỳ mặt trăng thì hỏa khí dương tính của trời đất rất vượng vào ngày mồng 5 tháng 5. Dương hỏa quá vượng không có lợi cho sức khỏe, tổn hại cho gan, cho mắt, cho da, cho thần kinh… bởi vậy cần phải áp dụng một số mẹo và người Việt dùng rất nhiều mẹo để “mở/đoan” làm giảm tác hại của dương hỏa quá vượng.

Về cúng dường. Người Việt cúng to vì mồng 5 tháng 5 cũng là ngày giỗ Quốc Mẫu, người Việt đã nằm lòng: “Tháng 5 ngày tết Đoan Dương, là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang.” Giỗ Quốc Mẫu đã có triều đình và quan tỉnh nơi có miếu thờ lo. Trong phạm vi gia đình thì cúng dường Ngọc Hoàng Thượng Đế và các vị Thiên ở ban ngoài trời hay cây hương lộ thiên [tùy gia đình] và cúng gia tiên ở ban thờ trong nhà. Cúng vào giờ Ngọ từ 11-13 giờ trưa nên Đoan Dương còn gọi là Đoan Ngọ. Trong dân gian có tích về Đôi Truân là một cụ già không biết từ đâu tới, đã bày cho dân lập đàn cúng chay để trừ dịch bệnh sâu hại.

Về mùa vụ, lúc này đã gặt lúa chiêm, có gạo mới lại thêm dồi dào hoa trái như vải, roi, sấu, mận, chuối, ổi, mít… hoa sen, nguyệt quế, nhài, sói, mẫu đơn, móng rồng, hoàng lan, ngọc lan, sử quân tử, dành dành… nên các nữ chủ nhân thỏa sức bày biện.

Nhà bác học Lê Quý Đôn cho rằng người Việt thường giao tiếp với người Chiêm Thành nên di thực giống lúa chịu khí hậu khô ra Bắc gieo cấy vào kỳ đông xuân ít mưa, chín về mùa hè gọi là lúa Chiêm, nên ăn tết Đoan Dương cũng là mừng mùa vụ.

Phẩm vật hiến cúng phong phú theo mùa, nhưng có thứ đặc biệt trong dịp oi bức này là cơm rượu [còn gọi là rượu nếp], không phải nước rượu chưng cất nồng độ cồn cao mà là cơm nếp trắng ủ lên men nhẹ, trẻ em cũng ăn được, mẹ sữa, thai phụ cũng ăn được, hỗn hợp bao gồm các vi sinh như nấm men, vi khuẩn – thực chất là một hỗn hợp lợi khuẩn hữu cơ để chữa một số bệnh đường ruột và quan trọng tăng khả năng hấp thu thực phẩm vì khi hoả vượng thì khả năng hấp thụ thực phẩm kém đi nhiều. Mỗi lần nghĩ tới món rượu nếp cái là tôi xúc động trước minh triết Việt. Mùa hè, khi khả năng tiêu hóa của con người kém nhất, người Việt đã dùng cơm rượu để hỗ trợ tiêu hóa, cân bằng lợi khuẩn ruột, bảo vệ hệ miễn dịch.

Mâm cúng Thiên dâng đồ chay: đĩa hoa, trái cây, nước sạch, xôi, trà, bánh kẹo sản vật địa phương… Mâm cúng gia tiên tùy gia cảnh nhưng thường có bánh gio, rượu nếp trắng, bánh khúc, bánh trôi nước [còn gọi là bánh trôi Nam bộ]. Miền trung có vịt.

Ngoài việc cúng và ăn cơm rượu còn nhiều tục lệ khác rất thú vị. Hồi tôi còn nhỏ vẫn thấy nhuộm móng tay, treo lá thuốc làm bùa trừ tà ở cửa nhà, đeo bùa hạt mùi, bôi vôi cho trẻ con, tắm lá, nhưng rất nhiều tục khác đã mai một do chiến tranh, do không biết trân trọng bảo tồn văn hóa truyền thống.

* Xâu lỗ tai cho trẻ con để đánh dấu sự trưởng thành.
* Đóng kịch đánh cây để kích thích nó ra trái gọi là khảo cây. Một bé trai trèo lên cây đóng vai tinh thần cây, một người lớn đứng dưới dùng gậy hoặc hung khí giả vờ chặt và dọa, cậu bé trên cây giả vờ sợ và van lạy xin tha mạng, hứa sẽ ra trái. Các cây mít chậm có quả là bị “khảo” nhiều nhất.
* Thu hoạch thảo dược. Ngày 5/5 được kinh nghiệm là ngày mà dược tính trong thảo dược mạnh nhất, người ta vào núi hái thuốc đem về cúng, hoặc hái ở vườn nếu nhà có trồng cây dược liệu. Nhà tôi vẫn duy trì cúng thuốc Đông y vào tiết Đoan Dương, ở đô thị không có điều kiện hái dược thảo hoang nên tôi mua các vị thuốc về sắc cúng.
* Mặc áo dấu, xin của nhà chùa hay các pháp sư.
* Đổ bệnh cho cây, một hình thức hút thanh điển từ cây để hóa giải bệnh do hỏa khí quá vượng. Trước đây tôi đã viết bài về đề tài trao đổi năng lượng với cây xanh nên không đưa thêm thông tin vào bài này nữa.
* Đi sêu nhà thầy, nhà cha mẹ vợ và cha mẹ vợ tương lai. Gia đình thông gia với mẹ tôi vẫn giữ phong tục này cho tới khi các cụ nhà tôi quá vãng.
* Đeo bùa, buộc chỉ ngũ sắc.

Nhìn cách người Việt hưởng tết Đoan Dương thì biết rằng không phải du nhập từ dân Hán.

Có một thanh niên người Pháp rất trẻ là Henri Joseph Oger [1885-1936] đã sưu tầm, viết, vẽ 4.200 bức tranh như một bánh khoa toàn thư về văn minh Việt, bản thảo đã trình toàn quyền Đông Dương Albert Pierre Sarraut và được xuất bản năm 1908 với tên sách “Technique du peuple Annamite” mô tả nhiều phong tục Đoan Dương của người Việt mà nay đã thất truyền. Cuốn “Technique du peuple Annamite” rất đắt, tôi không khuyến mua, các bạn có thể xem tranh ở đây, nhấn vào Next hoặc Previous để lật trang https://www.wdl.org/en/item/14383/view/1/15/

Năm nào, dịp tết Đoan Dương tôi cũng đăng lại bài này vì đa số không hiểu mỹ tục của dân tộc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *