Hỏi: Con mong cô chia sẻ về hướng bàn thờ gia đình.
Trả lời: Trong ngôi nhà truyền thống của người Việt không có vấn đề về hướng bàn thờ, chỉ kiểu nhà tân thời mới phát sinh vấn đề này.
Trong gian chính của ngôi nhà truyền thống, khoang giữa, nơi nhiều năng lượng nhất được mặc định là nơi đặt ban thờ. Bàn thờ luôn hướng ra cửa chính của ngôi nhà, có khoảng sân gọi là minh đường, có hiên nhỏ đệm giữa minh đường và nhà. Nhà 3 gian, 5 gian xưa, nhờ không gian đệm phía trước nên luồng khí từ ngoài đường vào được điều hòa, rất nhiều gia đình treo mành có tác dụng như bình phong; ngoài cửa chính thì nhà truyền thống còn có cửa phụ và các tấm dừng có tác đụng điều khí.
Phía trước và thấp hơn ban thờ, là nơi kê sập hoặc bộ kỷ tiếp khách. Khu vực giữa này tiếp nhận ánh sáng từ cửa chính, là nơi sinh khí luân chuyển nhiều nhất và cũng nhiều dương khí nhất. Hiện nay, ở thành phố vẫn có những gia chủ đặt bàn thờ theo truyền thống, khi tôi tới nhà họ cảm nhận rất nhiều năng lượng. Nhà tôi, mặc dầu kiến trúc Pháp nhưng vẫn đặt bàn thờ ở gian giữa.
Từ khi có căn hộ “hiện đại” và lối bài trí nội thất ngoại lai thì người ta mới khổ sở loay hoay trong cái gọi là xem hướng ban thờ mặc dầu đã mất gốc không hiểu phải đặt ban thờ ở nơi sinh vượng. Nhiều gia đình đổi chỗ đặt ban thờ liên tục mà vẫn không cảm thấy yên. Thực trạng, đa số đặt ban thờ trên tầng áp mái hiu quạnh, hay vị trí giáp góc nhà, có hộ đặt ban sát ban công bị quang sát, kinh nhất là phòng khách và bếp liên thông rồi ban thờ đặt ở phòng khách hoặc vị trí tiếp nối không gian bếp-khách làm không gian thờ cúng nhiễm trược nhà bếp.
Nếu muốn xem hướng ban thờ cho nhà hiện đại thì áp dụng nguyên lý Bát môn là dễ nhất – đặt ban thờ ở Phục vị hoặc vùng lợi khí tính theo cửa chính của căn phòng có ban thờ, trường hợp không đặt được ban thờ vào vùng lợi khí thì cũng phải tránh Ngũ quỷ, Lục sát, Tuyệt bại.
_____
Ảnh chụp một ban thờ gia tiên ở Hà Đông đầu thế kỷ XX, Thư viện Quốc gia Pháp, mã E-286GG.
