Hỏi: Cô ơi, lúc cúng thì làm gì trước, làm gì sau?
Trả lời:
CHUẨN BỊ:
– Việc đầu tiên là làm sạch ban thờ bằng khăn ẩm nhang nhác và nước sạch, nước thơm.
– Lau bóng, khơi bấc đèn thờ, châm dầu. Thời cổ, bàn thờ chỉ có 1 đèn.
– Nếu cúng các vị thuốc thảo dược thì cần nấu thuốc trước hoặc hâm nóng thuốc, trong khi nấu thuốc thì sắp ban thờ.
– Vừa làm việc vừa trì Tịnh thủ chân ngôn để tẩy trược làm sạch đôi tay “Om sukaraya svāhā”
– Cắm hoa vào lọ, hoặc bày hoa đĩa lên ban, hoặc thả hoa cúng nước. Nếu dâng chậu hoa cảnh thì đặt trên đôn cạnh ban thờ.
– Bày lễ vật bánh trái, cả đồ chúc thực và đồ bày [nếu có]. Cần phân biệt đồ chúc thực và đồ bày trang trí bàn thờ. Đồ trang trí bày trên ban thì Bưởi, Phật thủ, Cau… có thể bày vài ngày, đồ cúng chúc thực như xôi lạc, chè kho, bánh, sữa, mật ong… cúng xong dọn ngay. Dù không thờ Phật, khi muốn dâng cỗ mặn phải đặt ở một chiếc bàn phụ thấp hơn bàn thờ chính.
– Châm tinh dầu thơm vào bát hoặc máy khuyếch tán.
– Hãm trà.
– Mở rộng cửa.
NHẬP LỄ:
– Thắp đèn, châm nến trước tiên.
– Rót nước dâng lên ban.
– Rót trà dâng lên ban.
– Thắp hương, chú ý dâng nhang theo số lẻ thuộc dương, không bao giờ dâng số chẵn 2 hoặc 4.
– Khi châm lửa thì khẽ xoay cho hương cháy đều nếu thời tiết ẩm hương khó bắt.
– Cắm hương ngay ngắn vào lư, lư hương không nên đặt cao quá, lúc dâng hương phải với dễ xiêu lệch nén nhang kém trang nghiêm.
– Nếu có nhiều lư thì thắp lần lượt, dâng hương vào từng lư theo thứ tự: trên, dưới, trái, phải [trái phải là tính theo người dâng hương]. Nếu có nhiều bài vị nhưng chỉ có 1 lư thì chỉ dâng hương vào lư, không cắm ra bên ngoài.
KHẤN:
– Khấn và thỉnh theo ngôi vị. Khi cúng tổ tiên phải khấn Thần linh bản thổ trước.
KẾT THÚC:
– Khi gần hết tuần hương đầu thì dâng trà hoặc nước [lần 2 ] để tạ.
– Nhang hết thì khấn xin hạ lễ, tránh để lâu đồ cúng có thể ô nhiễm côn trùng, chuột. Nếu dùng cây nến to không cháy hết thì không thổi mà dùng kẹp hoặc cây chụp để tắt nến.
– Khi tham gia sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo ở nhà người khác thì để gia chủ dâng lễ hạ lễ, khi được gia chủ nhờ thì khách mới làm, tuyệt đối không tự ý.
Kinh Tăng Nhất A Hàm – quyển 24 ghi lại 5 phúc báu của người thành tâm thờ cúng:
1. Đoan chính [tướng mạo đoan trang]
2. Hảo thinh [tiếng nói trong trẻo êm đềm]
3. Đa tài bảo [đủ vật chất]
4. Sanh trưởng giả gia [tái sinh vào nhà quí phái].
5. Sanh thiện xứ thiên trượng [tái sinh vào cõi lành].
Thờ và cúng là hai phạm trù, thờ là nội hàm yêu thương, tôn trọng, kính ngưỡng trong tâm, cúng là lễ vật và lễ nghi thể hiện bên ngoài. Lễ vật cúng có thể đơn sơ thuỳ điều kiện nhưng lễ nghi lại do tâm quyết định. Động cơ nhân quyết định nghiệp báo, bởi vậy việc thờ cúng trọng ở tâm và lễ nghi.
