Giao cảm huyết thống – đạo ông bà

Hỏi: Trước khi các tôn giáo ngoại du nhập vào Việt Nam thì chúng ta theo đạo gì?

Trả lời: Rất xưa, cũng như nhiều giống dân khác, chúng ta thờ các vật tổ, thờ thần, về sau thì tín ngưỡng thờ cúng gia tiên đã trở thành gần như một tôn giáo, rất phổ biến trong dân, gọi là ĐẠO ÔNG BÀ.

Tranh Mai Trung Thứ [1906-1980]

Một tôn giáo đầy đủ thường được xét ở các nội dung:
– Có Giáo chủ
– Có Giáo lý
– Có Giáo đồ
– Có Giáo sỹ
– Có Giáo đường
– Có Giáo hội
– Có Nghi thức thờ phượng.

Đạo ông bà không phát triển theo mô thức trên nhưng ăn sâu trong tâm thức người Việt với hình thức thờ phượng là tưởng nhớ, hiến cúng cho tổ tiên đã khuất, thể hiện mối tri ân GIAO CẢM HUYẾT THỐNG.

Các giống dân khác cũng có tục tưởng nhớ người đã khuất, nhưng trong tâm thức Việt thì nó là một điều đặc biệt. Người Việt rất coi trọng việc cúng tế vào ngày tang, ngày giỗ và “giáo đường” là ban thờ gia tiên. Người Việt còn phân biệt “ông Vải” chỉ về gia tiên nói chung, “ông Mãnh” chỉ về gia tiên mất lúc còn trẻ chưa thành thân.

Không chỉ vào ngày giỗ chính, giỗ giúi, mà việc hiến cúng và kêu gọi năng lượng tổ tiên còn được thực hiện vào các ngày Sóc, Vọng trong tháng âm lịch và các Tết Mùa đặc trưng nông nghiệp lúa nước như tết Nguyên đán, tết Nguyên tiêu, tết Hàn thực, tết Trung thu, tết Cơm mới…

Không chỉ như vậy, khi trong nhà có việc trọng hệ như sinh con, cưới hỏi, làm nhà, đi xa, thi cử, đỗ đạt, ốm lâu không khỏi, tai nạn bất ngờ… người Việt đều dâng hương kính cáo tổ tiên, cầu xin tổ tiên phù hộ hoặc để tạ ơn.

Thêm nữa, người Việt dung hòa việc thờ cúng gia tiên đã mất với việc thờ các chư thần bản thổ, coi đất trời có thần quản trị, người ở phải xin phép nên tôn nhang thờ.

Đạo ông bà không có hệ thống giáo lý quy chuẩn, nên mỗi vùng, mỗi gia tộc, mỗi gia đình thờ và cúng khác nhau. Các gia tộc lớn có từ đường và các nhà thờ chi phái, hằng năm con cháu đóng góp duy tu, có cúng giỗ, cúng mùa, cách hai ba năm có kỳ đại tế, gia đình tôi bây giờ vẫn duy trì như vậy, ở nghĩa trang dòng họ thì có lễ cúng chặp mả hằng năm.

Tín ngưỡng thờ cúng gia tiên là nét văn hóa trân quý của người Việt và mang tính khoa học bởi đây là sự liên kết tần số ADN. Việc suy bại lòng tin vào giao cảm huyết thống khởi phát từ những nhóm Duy Tân, Tây học đầu thế kỷ XX và bùng phát kể từ Cải cách ruộng đất, do mục đích chính trị, người ta đã dùng con trẻ, người thân theo dõi, đấu tố, bức hại lẫn nhau làm sụp đổ đạo đức gia đình; khắp nơi ở Bắc Việt Nam đã phá bỏ bàn thờ gia tiên, vứt hoặc chôn gia phả, không dám cúng lễ, tưởng nhớ trong dấu diếm.

Đề tài này mà nói kỹ thì dài và nhiều điều thú vị, tôi tạm dừng ở đây.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *