ĐỒ UỐNG:
– Nên chọn ít nhất 2-3 loại trà: trà đen loại tốt, trà thảo mộc ướp hoa, trà oolong hay bạch trà và nước trắng để tráng miệng sau cùng.
* Assam black tea là loại trà đen đậm, bền hương, lưu hương trà kể cả khi thêm gia vị khác.
* Darjeeling black tea là loại trà dễ uống, vừa ngon, hương vị tinh tế, sang trọng. Loại trà này có thể thêm đường phèn mà không cần sữa.
* Earl Grey black tea kết hợp trà đen và tinh dầu chanh sùi Bergamot. Trà này được đặt theo tên của Bá tước Charles Grey II là Thủ tướng Anh quốc nhiệm kỳ 1830/34, ông là hậu duệ của dòng quý tộc cổ đại có nguồn gốc Normandy.
* Lapsang souchong là loại trà đen nổi tiếng của Trung Hoa có hương khói cây lá kim, có thể trộn thêm với Earl Grey tạo thành hương trà thơm đặc sắc.
– Nên dùng trà cánh, khi pha cho vào túi giấy hay túi vải thì không cần vợt lọc, nếu không có túi cần chuẩn bị vợt lọc. Kể cả khi ấm trà có lỗ lọc thì vẫn nên dùng vợt lọc.
– Nước pha trà nên dùng loại nước đã khử bớt canxi, sôi sủi tăm không sôi bùng, với trà có ướp hoa thì chỉ ở mức nhiệt 80-85ºC.
– Chỉ rót trà vào tách ở mức ¾, nếu sơ ý rót quá hoặc bị rung đổ trà vào đĩa thì đừng ồn ào, chỉ cần một set thay thế.
– Nên có cà phê đen nguyên chất pha sẵn, khi dùng chỉ cần thêm nước nóng.
– Tuỳ theo số lượng người mà dùng ấm to hay nhỏ.
– Luôn luôn có thêm ấm nước nóng thứ hai hoặc phích để khách tuỳ ý thay đổi độ đậm của trà hoặc cà phê theo khẩu vị riêng.
– Ngày nay, có nơi dọn trà chiều thêm rượu mùi, rượu ngọt, champagne. Gia chủ tuỳ dụng cụ bàn sẵn có mà chọn món cho phù hợp và nên chú ý thời tiết.

ĐỒ LÀM NGỌT:
– Để giữ chuẩn vị trà thì dùng đường phèn tán vụn. Có thể dùng đường phèn màu caramen nhưng đường phèn trắng bảo lưu sắc trà.
– Dọn mời đường, mật ong, mứt dẻo trong hũ chuyên dụng.
– Nếu là đường dạng bột và mứt lỏng thì kèm thìa, nếu là đường viên thì kèm panh, nếu là mật ong thì kèm cây cuộn hoặc thìa gỗ. Không bao giờ cho đồ kim loại như bạc, inox, đồng vào hũ mật ong.
ĐỒ BÉO TUỲ CHỌN:
– Sữa tươi được mời trong hũ rót nhỏ chứ không phải bình to hay chai, hộp.
– Kem váng sữa bày trong bát nhỏ rộng miệng kèm thìa nhỏ.
CHANH YÊN:
– Chanh yên phải được cắt thành lát mỏng hoặc mỏng ½ bày vào đĩa nhỏ, xếp lớp như những cánh hoa, kèm panh hoặc nĩa. Khi dùng sẽ gắp từ lát trên cùng.
– Trên thị trường có nhiều giống chanh yên khác nhau, nên chọn giống mà cùi ít đắng, tép ít vị chua. Theo tôi biết thì ở Việt Nam hiện đã có 4 giống chanh yên vàng.
ĐIỂM TÂM:
– Dù không phải bữa mặn thì vẫn cần có chút bánh vị mặn nhẹ như pateso, bánh quy mặn hoặc bánh mỳ lát để kèm phoma.
– Hạt khô như hạnh nhân, điều, óc chó dùng với cà phê.
– Trái cây cần được cắt thành các miếng nhỏ tiện thưởng thức.
VỆ SINH:
– Luôn luôn cần giấy trên bàn trà. Giấy trà kích thước nhỏ hơn giấy ăn, có bán sẵn ở siêu thị, rất hữu dụng để lau ngón tay và chặm.
– Khăn ăn vải để trên đùi.
– Rất nên dùng khăn trải bàn, nếu để bàn trơn thì cần có khăn lót đĩa [khăn lót đĩa không phải ăn khăn].
BÀN:
– Bữa trà có thể bày trên bàn cao như bàn ăn cơm hoặc thấp như bàn trà nhưng cần có bàn hoặc kệ phục vụ bên lề để tiện cho khách đổi tách, thìa.
– Nên có nhiều cỡ tách đặt sẵn ở bàn dịch vụ [bàn lề], uống trà tráng miệng hay uống cà phê đậm chỉ dùng size nhỏ.
– Thời tiết mát mẻ thì nên bày bàn ngoài trời, đặc biệt là khi có vườn hoặc cảnh quan đẹp.
Trước đây, tôi có những người bạn cao niên người Hà Nội cũ, chiều chiều tụ nhau đàm đạo hàng giờ. Thường xuyên, chúng tôi có trà xanh ướp sen, nhài, sói, với bánh truyền thống như bánh đậu xanh, bánh xu xuê, chè kho, bánh rán vừng, chuối chiên, chín tầng mây, bánh bao chay, bánh dẻo nhân cốm, bánh nướng nhân đậu xanh và vừng, bánh min phơi… bây giờ các vị khuất núi, không còn bạn trà nữa.