Theo Đông y, lê có vị ngọt hơi chua, tính lương, vào Phế và Vị, có tác dụng sinh tân, giáng hoả, nhuận táo, thanh nhiệt, hóa đàm, dưỡng huyết. Dùng cho người bị đàm nhiệt, âm hư, ho khan, khái huyết, sốt nóng, kích ứng vật vã, mất nước khát nước, táo bón do nhiệt.

* Trẻ nhỏ người già bị phong nhiệt, chán ăn: lê chín vừa 3 trái lớn, bỏ hạt, thái miếng, thêm 3 lít nước, ninh riu riu cho cạn còn 1 lít, bỏ bã, cho một nắm gạo vào nấu thành cháo. Mỗi ngày ăn 1 tô, ăn liền 5 ngày.
* Lao phổi âm hư [sốt nhẹ về chiều, má đỏ, rịn mồ hôi, ho tức ngực, mạch vi]: 2 trái lê vỏ trắng, bỏ lõi, bổ tư; 10-15g bách hợp sao nhẹ [bách hợp là một loại hoa huệ tây khô mua ở hiệu thuốc Đông y] cắt nhỏ; thêm đường phèn, tất cả sắc kỹ, uống và ăn cả cái.
* Da nhợt xanh do phế hư, khó thở, hụt hơi: lê 2 quả, hoa hồng cổ bạch ho 3-5 bông tuỳ to nhỏ, hái khi đã nở, ngân nhĩ 50g, bối mẫu 5g [mua ở hiệu thuốc Đông y], đường phèn 50g. Lê thái miếng, hoa hồng dùng bút lông phủi bọ trĩ, ngân nhĩ ngâm nước rửa sạch, bỏ chân, bối mẫu ngâm giấm gạo nửa giờ rồi vớt ra. Nấu riu riu các vị lê, ngân nhĩ, bối mẫu, đường phèn với 2 bát nước trong nửa giờ, rồi cho hoa hồng nấu sôi lại là được. Uống ấm.
* Ho khan do phế nhiệt: 2 quả lê vỏ trắng chín, bỏ hạt, xay nhỏ, thêm chút đường phèn, không thêm nước, hấp cách thủy đến khi đường phèn tan hết thì mang ra ăn hết. Mỗi ngày ăn 1 lần.
* Ho nhiều đờm lẫn máu: 1.5 kg lê, bỏ hạt, sên thành cao sệt, thêm mật ong trộn đều cho vào hũ kín, mỗi lần dùng 2-3 thìa cà phê hòa với nước ấm uống.
* Ho khản tiếng, viêm họng mãn: 2 quả lê bỏ lõi, 20g trần bì, sắc chung, lấy nước uống.
* Canh bổ: lê, sườn heo, cọng boa-ro, khoai sọ hoặc khoai môn, rau mùi ta, rễ rau mùi ta.
* Viêm phế quản: 2 quả lê chín, xuyên bối mẫu dạng bột 10g, đường phèn 30g. Để nguyên quả, dùng dụng cụ xoáy bỏ hạt lê, cho bột xuyên bối mẫu và đường phèn vào trong quả lê, hấp cách thuỷ, chia ra ăn trong ngày 2 lần sáng tối.
* Chứng ợ hơi: 1 quả lê, 15 đinh hương. Để nguyên quả, dùng dụng cụ xoáy bỏ hạt lê, cho đinh hương vào trong quả lê, bọc vài lớp vải thô, hấp cách thuỷ tới nhừ. Mỗi ngày ăn một lần. 15 đinh hương rất mạnh mùi, nếu không chịu được thì giảm bớt.
* Bổ phổi khi thời tiết giao mùa: lê, táo đỏ, đường phèn đun sôi riu riu, chắt lấy nước uống khi còn ấm.
* Sốt nóng nấu cháo tam bạch: lê vỏ trắng, chọn trái chín tới, bỏ hạt, thái quân cờ. Ý dỹ [còn gọi là bo bo] một dúm ngâm kỹ. Gạo tẻ một dúm rửa sạch. Ý dỹ và gạo tẻ ninh cháo, gần được cho lê vào, thêm tý xíu muối ăn thay cơm.
* Sốt virus mất nước: 2 trái lê vỏ trắng [tuyết lê], bỏ lõi, ép lấy nước, thêm tý xíu muối biển, uống nhiều lần trong ngày. Ép xong cần bảo quản lạnh, khi uống ủ ấm lên, không vi sóng.
* Lê có nhiều khoáng vi lượng boron giúp cơ thể hấp thụ canxi.
* Chọn lê nguyên vỏ, không giập, vừa chín tới.
_____
Có bệnh thì tới lương y bắt mạch, chẩn bệnh, bốc thuốc, đừng nghe chuyện dông dài trên mạng.